Viêm mũi dị ứng thường gặp ở trẻ, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng khiến trẻ khó chịu, ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Viêm mũi dị ứng là viêm niêm mạc mũi do tiếp xúc với dị nguyên (chất, vật gây dị ứng) đường hô hấp. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do phản ứng của cơ thể khi gặp các vật lạ như bụi, phấn hoa, lông chó, mèo, bào tử nấm, khi thời tiết thay đổi, thường hay gặp vào mùa xuân và mùa đông.
Các triệu chứng phổ biến khi mắc viêm mũi dị ứng: hắt hơi liên tục gây khó chịu, ngứa mũi, chảy mũi nước, mất ngủ, làm giảm khả năng tập trung và ghi nhớ, ảnh hưởng đến việc khám phá thế giới xung quanh cũng như khả năng học tập của trẻ. Nếu bệnh mạn tính thì có thể nghẹt mũi gần như thường xuyên, ù tai, nhức đầu, viêm xoang là những triệu chứng thường gặp. Ngoài ra, khi bị viêm mũi dị ứng, nhiều trẻ không chỉ ngứa mũi mà còn bị ngứa cả mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, dễ nhầm với bệnh viêm kết mạc. Bên cạnh đó, bệnh nhân gãi, dụi mắt nhiều có thể gây xước giác mạc, ảnh hưởng đến thị giác của trẻ.
Theo các chuyên gia, người có dị ứng hay không còn tùy thuộc vào cơ địa, tố chất di truyền. Tiền sử gia đình có vai trò quan trọng, cha mẹ bị dị ứng có tỷ lệ con bị dị ứng cao. Bệnh liên quan mật thiết với bệnh hen suyễn. Bệnh nhi viêm mũi dị ứng kéo dài sẽ có nguy cơ cao mắc hen hơn người bình thường. Trẻ hen bị viêm mũi dị ứng nếu không điều trị tốt thì các cơn hen sẽ bùng phát nặng hơn, nhất là vào mùa lạnh.
Khi có biểu hiện mắc bệnh viêm mũi dị ứng, gia đình cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa tai - mũi - họng hoặc dị ứng để khám, hướng dẫn điều trị. Môi trường sống trong sạch là điều kiện tiên quyết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ mắc viêm mũi dị ứng. Do đó, gia đình cần phải có các biện pháp để giữ môi trường sống trong sạch: vệ sinh nhà cửa thường xuyên, giữ sạch đồ dùng cá nhân (quần áo, chăn màn, nệm chiếu), không nuôi chó, mèo trong nhà.
Khi ra đường, phụ huynh cần đeo khẩu trang phù hợp cho trẻ, hạn chế tối đa tiếp xúc với khói thuốc lá, khói xe, nước hoa, hương liệu, hóa chất có thể gây dị ứng... Khi vào mùa lạnh, cần phải giữ ấm cơ thể đặc biệt vùng cổ, ngực, mũi, không nên tắm nước lạnh, tránh hít phải luồng không khí lạnh đột ngột.
Với bé dưới 3 tháng, khi có dấu hiệu bị sổ mũi, viêm mũi, cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra, điều trị kịp thời để hạn chế các nguy cơ viêm phế quản, viêm phổi nguy hiểm cho con vì đây là giai đoạn các dấu hiệu viêm mũi, cúm giống nhau nên không chẩn đoán bằng mắt thường.
Ngay khi nhận thấy có triệu chứng viêm mũi dị ứng, người bệnh cần tham khảo chuyên gia y tế để có phát đồ trị phù hợp như xịt chống ngạt mũi corticoid, sử dụng thuốc kháng Histamine. Hiện nay có thuốc histamine thế hệ mới có thể sử dụng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên, ít gây ra tác dụng phụ, hạn chế buồn ngủ.
Theo báo Sức khỏe đời sống.