Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, năm 2018, Việt Nam có khoảng 2.400 ca mắc mới ung thư thận, trong đó có hơn 1.300 ca tử vong, chiếm trên 55%. Ung thư thận hiện xếp vị trí thứ 17 trong các loại ung thư ở Việt Nam, với tần suất mắc bệnh khoảng 1,5/100.000 dân.
Ung thư thận không có mối liên quan với suy thận mạn. Suy thận mạn là bệnh nội khoa mạn tính về thận nên không có khả năng dẫn đến ung thư thận. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị ung thư thận thì có khả năng gây ra suy thận mạn do sự phá hủy các tế bào ung thư thận.
Hiện nay, y học vẫn chưa xác định rõ ràng nguyên nhân gây ra ung thư thận, chỉ khuyến cáo các yếu tố nguy cơ cao có khả năng dẫn đến bệnh, bao gồm: hút thuốc lá nhiều, tiếp xúc thường xuyên với các loại hóa chất có chứa benzyl acetate, người bị béo phì và một số trường hợp được ghi nhận có tính di truyền.
Có những dấu hiệu nghi ngờ ung thư thận như: suy kiệt, sụt cân, đổ mồ hôi về đêm, thiếu máu, sốt, đau nhức cơ bắp,... là những triệu chứng khởi đầu hay là hội chứng cận ung thư.
Ngoài ra, còn có các triệu chứng: tiểu ra máu, đau vùng hông lưng, sờ vùng hông lưng có thể cảm giác bập bềnh hay sờ chạm đến cục bướu. Tuy nhiên, những triệu chứng này chỉ thể hiện trên khoảng 10% bệnh nhân, có 25% bệnh nhân đến khám khi bệnh đã có những dấu hiệu của hạch di căn xa và các triệu chứng thể hiện ở các cơ quan do di căn tới phổi, trung thất,...
Để tầm soát bệnh thì siêu âm ổ bụng khi khám sức khỏe định kỳ là một phương pháp ít chi phí và có thể phát hiện được ung thư thận. Nếu nghi ngờ có những bất thường ở thận khi siêu âm thì có thể thực hiện các biện pháp đi kèm như chụp MRI, CT,...
Độ tuổi trung bình của những bệnh nhân ung thư thận thường khoảng 55-60 tuổi, nhiều hơn ở độ tuổi trên 65. Chính vì vậy, những người trên 65 tuổi được khuyến cáo tầm soát ung thư thận.
Nếu siêu âm và không phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, thì từ 6 tháng đến 1 năm nên đi tầm soát lại cũng bằng phương pháp siêu âm ổ bụng.
Để phòng ngừa ung thư thận, ngoại trừ một số nguyên nhân di truyền không thể phòng ngừa, thì mọi người nên hạn chế hút thuốc lá (kể cả người hút thuốc lá chủ động hay thụ động), hạn chế tiếp xúc với các hóa chất thơm (như benzen, xăng dầu,...), tăng cường tập luyện thể dục, giảm lượng mỡ thừa,...
Theo Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115.