Đường (hệ thống) hô hấp ở người được phân thành hai loại, đó là đường hô hấp trên (miệng, mũi, họng, hầu, thanh quản, các xoang…) và đường hô ấp dưới (khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phế quản tận dùng và phế nang, tất cả các bộ phận này được tạo thành phổi). Hệ thống hô hấp trên có chức năng chủ yếu là lấy không khí bên ngoài cơ thể, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Chức năng của đường hô hấp dưới làthực hiện lọc không khí và trao đổi khí, tức là nơi trao đổi khí oxy và thải khí cacbonic.
Tại sao mùa lạnh, bệnh đường hô hấp dễ xuất hiện?
Hầu hết bệnh đường hô hấp do tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào theo đường không khí. Trong khi đó không khí có vô vàn vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virút và vi nấm), hơn nữa lạnh là điều kiện rất thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh sinh trưởng, phát triển nhanh chóng. Mặt khác, sự phát triển bệnh ở người còn tùy thuộc vào sức đề kháng của cơ thể. Vì vậy, người cao tuổi (NCT) do sức đề kháng đã suy giảm nên rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Nếu NCT, vào mùa lạnh, ăn uống thiếu thốn cả về lượng, cả về chất, thêm vào đó mặc, ngủ không đủ ấm càng dễ lâm bệnh.
Ngoài ra, mùa lạnh, một số NCT hút thuốc tăng lên (nhằm chống lại lạnh). Đây là quan niệm sai lầm, bởi vì, khói thuốc lá, thuốc lào khi hít vào đường hô hấp sẽ làm tổn thương các niêm mạc đường hô hấp (họng, khí, phế quản…), do đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cơ hội. Hàng ngày người nghiện thuốc đã làm cho đường hô hấp tổn thương triền miên cho nên gây viêm đường hô hấp mạn tính, kéo dài. Vào mùa lạnh, càng hút nhiều nguy cơ viêm đường hô hấp càng tăng cao, thậm chí viêm họng, xoang, phế quản cấp tính càng dễ xảy ra. Hoặc do thời tiết khô hanh bụi nhiều (trong bụi không khí có vô vàn vi sinh vật gây bệnh). Hoặc do sống ở nơi môi trường ô nhiễm, nhiều bụi, hoặc trong gia đình dùng bếp than, bếp củi, bếp dầu khói sẽ tác động xấu rất lớn đến đường hô hấp hoặc do nhà ở chật chội, không khí không thông thoáng cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho NCT dễ mắc các bệnh đường hô hấp, nhất là vào mùa lạnh. Bên cạnh đó, một số NCT mắc bệnh mạn tính kéo dài như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về rối loạn nội tiết sẽ làm giảm sức đề kháng, từ đó làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp vào mùa lạnh.Người cao tuổi, mùa lạnh dễ mắc những bệnh gì?
Viêm mũi họng là một bệnh có thể gặp quanh năm nhưng vào mùa lạnh NCT hay gặp nhất gây nên hiện tượng hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi nước, đau rát họng, ho, tức ngực, đôi khi gây khó thở. Nếu viêm họng, viêm xoang cấp có thể có sốt, đau đầu, khó chịu, ăn ngủ kém. Nếu NCT bị viêm họng mạn tính kéo dài (thường gọi là viêm họng hạt), hoặc viêm mũi mạn tính rất dễ gây nên viêm xoang và khi thời tiết thay đổi, nhất là cảm lạnh (do tắm nước lạnh, đi ra khỏi nhà không mặc ấm, phòng ngủ không kín…) đều có khả năng bệnh tái phát trở lại. NCT vào mùa lạnh rất dễ mắc bệnh viêm phế quản, viêm phổi, đặc biệt là do “cảm lạnh” sau khi tắm nước lạnh, đi ra đường bị mưa ướt hoặc mặc không đủ ấm, không đi tất tay, chân hoặc không có khăn quàng cổ đủ ấm. Một điều cần lưu ý là viêm phế quản, viêm phổi cấp tính ở NCT, thân nhiệt thường không tăng cao (không sốt cao) như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ, ít được người nhà quan tâm, dễ khiến bệnh nặng. Một số bệnh mạn tính, mùa lạnh rất dễ tái phát như bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), những loại bệnh này ở người cao tuổi vào mùa lạnh rất dễ gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là suy hô hấp cấp tính, nếu cấp cứu không kịp thời tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa.
Nguyên tắc phòng bệnh
Để phòng mắc bệnh đường hô hấp do lạnh, NCT cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực. Hàng ngày tắm, rửa nên dùng nước ấm (nếu có đèn sưởi trong nhà tắm càng tốt). Trước khi tắm cần chuẩn bị sẵn quần, áo sạch, tất, khăn quàng cổ để khi tắm xong lau người thật khô và mặc quần áo, quàng khăn, đi tất ngay. Nếu có điều kiện nên ngồi trước đèn sưởi hoặc lò sưởi sau khi tắm và mặc quần áo. Không dùng bấp than, bếp củi để sưởi nhất là nhà kín cửa sẽ rất nguy hiểm (do có thể bị ngộ độc khí thải từ than). Phòng ngủ của NCT về mùa lạnh nên được kín gió để tránh cảm lạnh. Bởi vì cảm lạnh, ngoài mắc bệnh đường hô hấp, với người tăng huyết áp, xơ vữa mạch rất có thể bị đột quỵ hoặc với bất kỳ NCT nào cũng có thể bị liệt mặt do lạnh.
Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh hoặc lạnh vừa chuyển sang rét đậm, NCT nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm và chiều muộn. Có thể vẫn tập thể dục hoặc đi lại, vận động thân thể ở trong nhà. Nếu công việc cần thiết phải ra khỏi nhà cần mặc thật ấm từ đầu chí chân (mặc ấm, quàng cổ, đi tất, đi dày, đeo khẩu trang…).