Theo đại tá Thắng, khi bệnh dịch nCoV trên địa bàn Hà Nội ở cấp độ 4 - lan rộng trong cộng đồng với 1.000 người bị lây nhiễm (cấp độ cao nhất theo kế hoạch phòng, chống dịch nCoV của Hà Nội) - Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ tổ chức bệnh viện dã chiến để cách ly người về từ vùng có dịch.
|
Đại tá Nguyễn Viết Thắng - Chủ nhiệm quân y Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh:Võ Hải. |
Để chuẩn bị cho kịch bản trên, Bộ tư lệnh thủ đô đã tổ chức khảo sát và chọn hai địa điểm để sẵn sàng lập bệnh viện dã chiến là khu vực thị trấn Xuân Mai và thị xã Sơn Tây.
Quy mô mỗi bệnh viện đã chiến gồm 120 cán bộ công nhân viên với 150 giường bệnh. Cơ sở hạ tầng có thể tận dụng tại địa điểm lập bệnh viện hoặc dựng nhà bạt tuỳ theo tình huống cụ thể. Dù kế hoạch cấp trên giao Bộ Tư lệnh thủ đô tổ chức cách ly 950 người nhưng cơ sở vật chất ở hai địa điểm trên có thể đảm bảo cách ly 1.500 người trong 14 ngày, đại tá Thắng nói.
Trước đó để diễn tập đáp ứng phòng chống dịch cúm ở người, năm 2005 Hà Nội đã tổ chức Bệnh viện dã chiến ở Kiến Hưng (Hà Đông).
Sở Y tế Hà Nội hiện chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCov. 29 trường hợp nghi nhiễm nCov đang được giám sát tại bệnh viện, trong đó, có 27 trường hợp đã có xét nghiệm âm tính, 2 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm.
Thành phố cũng tổ chức giám sát với 104 trường hợp tiếp xúc gần (người nhà của những trường hợp nghi có bệnh), trong đó 93 trường hợp đã kết thúc, 11 trường hợp vẫn đang tiếp tục giám sát. Hiện tình trạng sức khỏe của tất cả người tiếp xúc gần đều ổn định, chưa có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 31/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch viêm phổi do nCoV đã lan đến hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dịch khởi phát tại Vũ Hán cuối năm ngoái, sau đó lan ra tất cả các tỉnh thành Trung Quốc. Trong số 362 người chết có 361 ca ở Trung Quốc, một ở Philippines; số ca nhiễm lên hơn 17.000.
Việt Nam, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan ghi nhận trường hợp nCoV truyền từ người sang người.
Theo Vnexpress